Cách mở Tam Giải Thoát Môn

1
3704

Ngày xưa vào thế kỷ thứ 2 có một nhà Phật học nổi tiếng tên là Long Thọ. Ngài có nói một câu rất hay:

Dĩ hữu không nghĩa cố,

Nhất thiết Pháp đắc thành.

Có nghĩa là nhờ cái tự tánh không cho nên tất cả mọi hiện tượng đều được thành lập. Vì vậy chữ “không” không phải là một nốt nhạc tiêu cực, nó chỉ sự vắng mặt của tất cả mọi hiện tượng, mà nhờ tính không đó nên tất cả mọi hiện tượng đều có thể có mặt. Nhờ tính không mà chúng ta có cành tre đẹp như thế này. Nhờ tính không mà chúng ta có cành đào đẹp như vầy. Nhờ tính không mà chúng ta có sư anh, có sư chị, sư thầy, có ánh nắng, có tiếng chim hót, có vũ trụ. Cho nên chúng ta cần biết rằng Śūnyatā là bản chất của sự có mặt của tất cả mọi hiện tượng. Śūnyatā tức là “không tướng”, thị chư pháp không tướng.

Không (Tiếng Phạn là Śūnyatā và vô tướng (Tiếng Phạn là Animitta) là hai cánh cửa giải thoát. Cánh cửa thứ ba là Vô tác hay còn gọi là Vô nguyện (Tiếng Phạn là apraṇihita.

Vô tác tức là mình khỏi phải làm gì thêm nữa, rất là sướng! Không cần phải chạy, không cần phải lao tác mệt nhọc. Mình là cành tre, tại sao mình lại muốn trở thành cành đào. Cành tre không mầu nhiệm sao? Tại sao ngày hôm nay mình không chịu, mình phải đợi tới ngày mai mình mới cười, mình mới có hạnh phúc?

Vô tác là không đặt trước mình một đối tượng để chạy theo. Khi thực tập vô tác thì mình dừng lại, mình thấy thế giới và bản thân mình nó mầu nhiệm ngay trong giây phút hiện tại, mình chỉ cần tận hưởng nó mà thôi. Không có gì cần phải làm hết. Không cần trở thành giáo thọ, không cần trở thành sư bà, không cần trở thành hòa thượng. Đó là một giáo lý rất mầu nhiệm.

Bây giờ mình chưa được xuống tóc, mình cũng đã mầu nhiệm rồi. Tại sao phải đợi đến ngày 28 Tết mình mới mỉm cười được? Nếu mình mỉm cười được ngay ngày hôm nay thì mình nằm yên trong bụng thầy và thầy khỏi đau bụng! Nếu mình cựa quậy quá thì thầy sẽ đau bụng! Thành ra pháp môn này là pháp môn vô đắc. Không có gì mình phải buông bỏ cả, không có cái gì mình phải chạy theo cả. Vì vậy cho nên là nam cũng đẹp, là nữ cũng đẹp, là sa di cũng đẹp, sa di ni cũng đẹp, đừng có chạy, đừng có mong cầu. An trú trong giây phút hiện tại, là tự nhiên mình có sự dừng lại, có hạnh phúc ngay từ bây giờ.

Vô tác có khi được dịch là vô nguyện. Vô nguyện tức là mình đâu có muốn gì nữa? Cho nên mình mới an trú, và khi mình an trú được thì tất cả những cái nguyện của mình nó thành tựu liền lập tức. Rất là hay.

Tại Làng Mai chúng ta có những phương pháp thực tập rất cụ thể để có thể mở ra ba cánh cửa giải thoát đó. Chúng ta không chỉ nói về những khái niệm giáo lý về tam giải thoát môn mà thôi.

Tuệ Trung nói:

Thân tùng vô tướng bản lai không, có nghĩa là bản chất của tất cả mọi sự, mọi vật là vô tướng, là không.

Huyển hóa phân sai thành nhị kiến. Nhưng nếu không quán chiếu thì chúng ta sẽ có cái thấy sai lầm gọi là cái thấy nhị kiến, Duallistic viewduallistic way of looking at things.

Ngã nhân tợ lộ diệc tợ sương,

Phàm thánh như lôi diệc như điện.

Khi đọc những câu kệ này chúng ta thấy nó có âm hưởng của kinh Kim Cương. Quý vị nào thường tụng kinh Kim Cương thì sẽ thấy âm hưởng của kinh Kim Cương ở đây.

Ngã nhân tợ lộ diệc tợ sương. Ta và người cũng như móc, như sương. Móc là mù. Ý niệm về ngã và nhân thì cũng giống như sương, như mù.

Phàm thánh như lôi diệc như điện. Ý niệm về phàm và thánh nó giống như sấm, như chớp.

Mi mao tiêm hoành tị khổng thùy,

Phật dữ chúng sanh đô nhất diện,

Thục thị phàm hề thục thị thánh,

Quảng kiếp sưu tầm một căn tánh,

Phi tâm vô thị diệc vô phi,

Vô kiến, phi tà giã phi chánh …

Nguyễn Lang dịch là:

Mày ngang mũi dọc đều như nhau,

Phật cùng chúng sanh không sai khác,

Ai là phàm chừ, ai là thánh?

Muôn kiếp sưu tầm mất căn tính,

Không tâm, không tính, cũng không phi,

Không kiến, chẳng tà cũng chẳng chánh …

Chúng ta dùng bản dịch để giảng cho dễ:

Mày ngang mũi dọc đều như nhau. Chúng ta phân biệt giữa Phật và chúng sanh, chúng ta nói Phật là hoàn toàn khác với chúng sanh, nhưng chúng ta không biết rằng nếu không có chúng sanh thì không thể nào có Phật. Và ngoài chúng sanh thì tìm Phật không ra, ngoài Phật thì tìm chúng sanh không có. Cũng như lông mày thì đi ngang, lỗ mũi nó đi dọc. Tuy là ngang, dọc, nhưng nó cùng một thể tánh. Mày ngang mũi dọc đều như nhau.

Phật cùng chúng sanh không sai khác. Phàm thánh đều cùng một thể tính. Chất thánh được làm bằng những yếu tố phàm, và chất phàm được làm bằng chất thánh. Ví dụ như hoa được làm bằng chất phân bón, mà phân nó cũng được làm bằng chất hoa. Ngoài hoa thì không có phân, tại vì khi mục nát, hoa sẽ thành phân, và nếu biết xử lý thì phân sẽ biến lại thành hoa.

Ai là phàm chừ, ai là thánh?

Muôn kiếp sưu tầm mất căn tính,

Nếu chúng ta phân biệt, nếu chúng ta bỏ một cái và đi tìm một cái khác thì chúng ta sẽ mất thì giờ một cách vô ích.

Không tâm, không tính, cũng không phi,

Không kiến, chẳng tà cũng chẳng chánh.

Khi cái tâm, cái ý niệm phân biệt của chúng ta chưa khởi ra thì vô thị diệt vô phi, thì “vấn đề là”, hay “không là” (to be or not to be) nghĩa là Vô kiến, phi tà giã phi chánh. Nếu chúng ta không có thành kiến, không có kiến chấp thì làm gì có tà, có chánh? Thành ra những cái như “là”, hay “không phải là”, đúng hay sai, tà hay chính đều không được đặt ra.

Chữ tâm và chữ kiến trong câu này đều có nghĩa là ý thức phân biệt. Từ ý thức phân biệt đó mà chúng ta có cái thấy gọi là “nhị kiến”, có mê, có ngộ; có phàm có thánh; có phiền trược có giải thoát; có sinh tử, có niết bàn. Vì vậy cho nên muốn tiếp xúc được với thực tại mầu nhiệm, muốn có vững chãi, có thảnh thơi thì chúng ta phải vượt thoát cái khuynh hướng nhìn sự vật bằng con mắt “lưỡng nguyên”, hay nhị kiến.

Một bài khác rất hay của Tuệ Trung mà chúng ta có thể học thuộc lòng là bài Mê Ngộ Không Khác Nhau, có đăng trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I, trang 293.

Chỉ cần chúng ta cởi bỏ cặp mắt kiếng “lưỡng nguyên” là tự nhiên cái pháp giới tính, cái thực tại mầu nhiệm nó hiển hiện ra cho chúng ta thấy. Đây là một giáo lý rất vững mạnh của Tuệ Trung Thượng Sĩ.

Quý vị nghĩ lại xem, trong quá khứ có một con đường phố nào mà chúng ta cảm thấy quen thuộc, nhớ thương; có một con đường nhỏ nào hồi bé chúng ta thường hay đi, mà lâu nay chúng ta không có dịp đi trở lại. Chúng ta cầm tay mẹ, hay tay bố để đi hồi còn bé tí. Một khung trời nào, một hoàn cảnh nào còn lưu lại một kỷ niệm, một hình dáng thân thương trong trái tim của ta không? Nếu không thấy, nếu không nhớ thì không có nghĩa là chúng ta đã không có khinh nghiệm đó. Thế nào chúng ta cũng đã có kinh nghiệm đó.

Có thể hồi đó chúng ta còn nhỏ quá, hai hay ba tuổi, năm tuổi hay bảy tuổi, chúng ta đã được mẹ hay bố cầm tay dẫn đi, hoặc rong chơi với một đứa bạn ở trên con đường đó, mà lâu nay vì cuộc đời bận rộn, nhiều phiền não mà chúng ta không có thì giờ để nghĩ lại con đường đó, hay khung trời đó. Phải tìm ra cho được, phải cho phép để khung trời đó, con đường đó, cái vùng đó nó hiện ra trong tâm của chúng ta. Và có thể là chúng ta có một sự nuối tiếc, một sự ao ước được trở về với con đường đó để được đi lại trên con đường đó sau mười năm, hai mươi năm, hoặc ba bốn mươi năm xa cách.

Ví dụ như chị Chân Nguyện sắp được về Việt Nam, hay một sư chú, sư cô sắp về Việt Nam mà mình đã xa hai, ba mươi năm nay. Trước khi mình rời khỏi đất nước, mình đã từng đi trên con đường đó. Giờ đây mình ước ao có thể trở về giẫm bước chân trên con đường đó. Trong khi thiền tọa mình có quyền mở cửa để cho cái hình ảnh đó nó trở về lại trong mình. Có thể mình đã thấy con đường đó, khung trời đó trong một giấc mơ nào đó, rồi sáng ngủ dậy mình quên đi. Nhưng con người mình, mình luôn luôn đi tìm về khung trời ấm áp, khung trời hạnh phúc của ngày xưa. Tất cả chúng ta đều có những kỷ niệm đó, đều có ký ức đó. Đôi khi ta có cảm tưởng rằng ta chỉ cần trở về được với khung trời đó, với khung cảnh đó là ta có hạnh phúc. Nếu quả thật quý vị có một kỷ niệm, có một hình ảnh như vậy thì kỷ niệm đó, hình ảnh đó có thể là một phương tiện cho quý vị thực tập. Quý vị có thể đi về nơi đó, về bằng máy bay, bằng xe hơi, xe lửa rồi quý vị sẽ thực tập thiền hành trên những con đường đó. Bước những bước thật chậm rãi, thực tập dừng lại một cách đích thật trong khung cảnh đó, tại vì hình như chúng ta tin rằng phải là khung trời đó, phải là khung cảnh đó thì ta mới tìm được cái cảm giác đó.

Ví dụ Chân Nguyện đi về và tìm lại con đường mà mình đi hồi mình 12, 14 tuổi thì mình có thể để ra ba, bốn ngày đi trên con đường đó. Đi như thế nào để tìm lại những cảm giác đó và để khám phá ra rằng con đường đó nó khác những con đường ở bên Bỉ, bên Pháp của chúng ta. Tại sao nó quý hơn? Nó quý hơn là nhờ có một kỷ niệm, nó quý hơn là tại cái bản chất của nó. Trong con người của chúng ta nó có chất nhớ nhung, thương tiếc, hoài niệm, và chúng ta ao ước phục hồi lại cái quá khứ đã mất. Đó là một phần sự sống hàng ngày của chúng ta. Ao ước phục hồi lại những gì đã mất ở trong quá khứ. Trong người của chúng ta cũng còn có một phần khác là nôn nức hướng về tương lai để thực hiện một cái mà mình nghĩ là mình cần phải có thì mình mới hạnh phúc, và mình nghĩ rằng chỉ khi nào mình đặt bước trên con đường tương lai đó thì mình mới có hạnh phúc.

Nếu có vậy thì mình phải thực tập! Thực tập như thế nào để cho mình được giải thoát, nghĩa là một ngày nào đó mình thấy rằng không phải chỉ con đường đó mà bất cứ con đường nào, nẻo đường nào mình bước chân lên cũng mầu nhiệm, cũng đem lại cho mình cái hạnh phúc lớn như con đường ngày xưa.

Tôi có thể chứng thực được cho quý vị là tôi đã đạt được điều đó. Như đã kể trước đây, ngày xưa tôi bị cấm không được về nước, không phải một chính quyền mà cả hai ba chính quyền đều cấm không cho tôi về nước, cho nên sự ước ao về nước của tôi nó càng lớn, ước ao trở về để đi trên con đường đó, con đường của tuổi thơ.

Sau đó thì con đường bờ hồ bên chùa nó hiện ra trong những giấc mơ, tại vì mình đã ao ước, tại vì mình đã từng có hạnh phúc. Khi bị cấm thì cái ao ước kia nó càng lớn. Con đường đẹp nó càng đẹp hơn! Một trong những giây phút hạnh phúc nhất của đời tôi là trong giấc mơ tôi thấy mình đang đi trên nẻo đường của tuổi thơ, nẻo đường rất sáng, rất đẹp, nó hạnh phúc một cách kỳ lạ! Giống như có hào quang từ bên dưới tỏa lên, từ bên trên chiếu xuống! Mà mình biết hào quang đó là từ trong trái tim của mình đi ra.

Có những lúc nằm mơ, thấy mình đang ở Huế, và mình chỉ cần đi 15 phút là đến con đường đó. Khi tỉnh dậy nếu còn nhớ được giây phút đó thì mình có thể sử dụng nó trong thiền tọa hay thiền hành.

Khi mình có cảm tưởng có một khung trời nào đó mà mình không được đặt chân trở về, thì khung trời đó thường hiện ra trong những giấc mơ của mình. Những ao ước của mình cũng vậy.

Bây giờ thì tôi không còn như vậy nữa, không có sự ngăn cách nữa, tại cái ranh giới phân biệt giữa cái này và cái kia, cái quê hương và cái không quê hương nó đã mất đi. Tôi hoàn toàn có hạnh phúc bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Không còn cảm tưởng là có một ranh giới cần loại đi nữa. Điều này mình thấy rất rõ, đây là một điều mừng, đây là một điều chứng thực cho quý vị thấy giải thoát là một cái gì có thật, mình có thể đạt được.

Dù rằng cái ao ước kia, sự vướng mắc kia nó có kéo dài một thời gian, nhưng nếu mình thực tập quán chiếu và mình có hạnh phúc, có an lạc thì mình sẽ tháo gỡ được. Nếu nó là một con đường, hay một ngọn đồi thì mình quán chiếu nó như là một con đường hay là một ngọn đồi. Nếu nó là một cố nhân, thì mình quán chiếu nó như là một con người. Tại vì tất cả những người mà mình gặp hôm nay, chung quanh mình, có thể họ đều là những thực tại hết sức mầu nhiệm. Một cành tre, một cành đào, một đám mây, một con đường thiền hành ở Xóm Thượng, Xóm Hạ, tất cả đều rất mầu nhiệm, và sự mầu nhiệm của những cành đào, cành trúc, đám mây, và con đường đó nó không thua gì sự mầu nhiệm của con đường năm xưa trong quá khứ, trong tiềm thức, trong tâm tư, và mình không cần phải chạy đi đâu hết.

Mình tưởng cây tùng trên Xóm Thượng hay là cây sồi ở Xóm Hạ là những hiện tượng toàn bích. Không! Cái gì cũng đẹp hết. Mình tưởng những người sống với mình không được như cây sồi, hay cây tùng. Nhưng kỳ thật họ là những cây sồi, những cây tùng, và họ cũng mầu nhiệm như bất cứ một người nào, bất cứ một hiện tượng nào.

Vì vậy cho nên sống là tiếp xúc, là khám phá, là thấy cho được cái mầu nhiệm. Điều đó chỉ có thể làm hôm nay mà thôi. Không thể đợi đến ngày mai. Mỗi ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ là một cơ hội để chúng ta khám phá rằng cái hạnh phúc, cái an lạc của chúng ta và sự thỏa mãn ước ao của chúng ta có thể được thực hiện ngay buổi sáng hôm nay.

Giáo lý của đạo Bụt cho chúng ta đủ những phương tiện, những pháp môn để chúng ta thực hiện điều đó. Đi như thế nào để đi được trong tinh thần vô tướng, đi như thế nào để đi được trong tinh thần không, đi như thế nào để đi được trong tinh thần vô tác, đi như thế nào để chúng ta có thể dừng lại ngay tại đây để tiếp xúc với tất cả những cái mầu nhiệm của sự sống trong ngày hôm nay, sự sống gồm có những hiện tượng vô thường, vô ngã. Nhưng sự sống cũng chứa đựng niết bàn, chứa đựng tĩnh lặng, chứa đựng hạnh phúc. Tất cả đều tùy thuộc vào cách thấy của chúng ta mà thôi.

Tuệ Trung Thượng Sĩ có nói chỉ cần bỏ “cặp mắt kiếng nhị kiến” ra là thực tại nó lộ hình dung mầu nhiệm của nó, và ta sẽ có hạnh phúc, người kia là sư em của ta, sư chị ta, sư anh ta, cũng chính là ta đó.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN/ COMMENT

Please enter your comment!
Please enter your name here