Kính thưa quý sư thầy, sư cô!
Con hiện là sinh viên năm cuối ngành sư phạm. Xin quý thầy cô cho con lời khuyên về những điều con trăn trở sau:
- Từ nhỏ đến lớn con luôn cảm thấy con người sống thật đau khổ, áp lực, được sinh ra rồi phải học thật tốt, kiếm được việc làm tốt, lập gia đình, lo cho gia đình, nó như một cái vòng lẩn quẩn không lối thoát, mà chúng ta cũng không đối xử tốt với nhau: nào là ganh đua, thủ đoạn. Con thấy buồn và bế tắc lắm. Con không muốn cuộc đời của mình như vậy. Mỗi buổi tối, con thường ngủ không được vì cứ trăn trở những điều này. Bên cạnh đó, con cũng rất chán nản vì phải học ngành nghề con không thích, con cảm thấy mình không đủ khả năng và cũng không phù hợp để làm giáo viên. Mọi người nói tính tình con không thích bon chen, không thích va chạm, nếu như vậy thì khỏi đi làm luôn đi tại vì xã hội là như thế, đi làm kiếm tiền là phải đụng chạm. Một người bạn cho con xem đĩa thuyết pháp của các thầy, con cũng hiểu được chút chút và con nghĩ, chỉ có đi tu, sống theo tâm Phật mới an lạc. Mỗi lần lấy tập ra học, con không học được vì luôn nghĩ đây không phải là thứ cần thiết cho cuộc đời của mình, nó vô nghĩa, cái con cần học là biết bản thân mình là ai, mình phải làm gì để chấm dứt đau khổ. Hiện tại, con đang đi thực tập, đứng lớp dạy học sinh, con cảm thấy khó thở quá, mặc dù nhìn học trò rất đáng yêu. Nhiều lúc con muốn đi tu lắm nhưng biết đó không phải là chuyện dễ, không phải nói là làm được, cần hội tụ đủ duyên lành mới mong được một kiếp xuất gia. Con xin quý thầy cô cho con biết cách làm thế nào để con buông bỏ được tham, sân, si, bỏ được ham mê vật chất, danh vọng. Con cũng từng vào chùa nghe tụng kinh nhưng không ngồi lâu được, con cũng từng niệm phật nhưng không tập trung, trong đầu cứ nghĩ lung tung. Và con muốn có khoảng thời gian nào đó cho con thử nghiệm cuộc sống của một người xuất gia? Có cơ hội nào cho con không?
- Vấn đề thứ hai con muốn hỏi đó là mối quan hệ giữa con và gia đình. Con cảm thấy khó nói quá, vì không biết như vậy con có nói xấu mẹ con không, con luôn cảm thấy xấu hổ vì điều này. Mọi người trong dòng họ, bên nội lẫn bên ngoại, đều không thích mẹ con. Từ hồi nhỏ, mọi người hay nói thẳng vào mặt con: mẹ mày vậy đó, kì cục, mẹ nào con nấy, lớn lên mày cũng giống vậy. Hồi nhỏ nghe vậy con lắm, nhiều khi chỉ khóc một mình. Lớn lên rồi nỗi ám ảnh đó vẫn còn, khi hiểu chuyện con cảm thấy người ta không thích mẹ con là đúng. Con có bất hiếu không? Con đi học xa nhà, nhưng mỗi lần về nhà là không quá ba ngày, con chịu không nổi, con phải đi. Mẹ con rất thương con, không bắt con làm việc gì hết, nhưng con thật sự cảm thấy tính tình của mẹ con… con không thích. Nhiều khi con giận lắm, nghĩ mình sẽ không thương mẹ đâu, người kì cục vậy ai mà thương, nhưng khi con vừa đi khỏi nhà, nghĩ lại thái độ của mình đối với mẹ, con hối hận, khóc, lại nhớ mẹ. Chắc con khùng mất. Quý thầy cô giúp con với!
Vườn thiền ngày…tháng… năm
V thương!
Khi đọc những lời tâm sự của em chị đã nhớ lại giai đoạn mình phát bồ đề tâm đi xuất gia cũng có những suy tư giống như em bây giờ.Những suy nghĩ đó nó giúp cho mình tìm một hướng đi tốt đẹp cho cuộc đời mình, tuy nhiên nếu mình không biết cách dừng lại những tiếng nói liên tục trong đầu, thì càng suy nghĩ càng thêm rối mà thôi.Dần dần cái nhìn của mình về cuộc đời khá buồn chán.Nhưng em ơi, cuộc đời nó vẫn còn nhiều điều tươi đẹp và đáng yêu lắm, chỉ vì chúng ta chưa biết cách tiếp xúc với những điều mầu nhiệm đang diễn ra xung quanh ta. Không hẳn em phải làm một người tu mới có thể thực tập được điều này, em có thể thực tập ngay trong cuộc sống hàng ngày của mình, chị sẽ chia sẻ với em một vài sự thực tập nho nhỏ mà chị đã và tiếp tục thực hành để nuôi dưỡng hạnh phúc, và đó là cách giúp em tạo nhiều niềm vui , sự bình an và thay đổi cách nhìn cách sống, là một trong những nhân duyên tốt đẹp để có thể trở thành một người xuất gia nếu em muốn. Chị mời em cùng chị thực tập ba bài tập nhỏ này nhé:
Bài tập 1: Dừng lại bằng tiếng chuông điện thoại, bằng đèn giao thông
Khi nghe điện thoại reng, em hãy dừng lại mọi hoạt động mọi suy nghĩ chỉ quay về nhận diện hơi thở, thở vào thở ra ba hơi rồi mới nhấc điện thoại trả lời. Mình thường có thói quen là khi nghe chuông điện thoại thì vội vã cầm ngay lên để trả lời, bây giờ mình thay đổi lại, làm nhịp sống của mình chậm lại thanh thản hơn, nhẹ nhàng hơn, không cần phải hấp tấp vội vàng. Nếu mình sợ bạn bè hoặc người thân chờ đợi thì em hãy soạn một tin nhắn rằng kể từ hôm nay mình sẽ nghe chuông điện thoại reng ba lần mới nhấc máy trả lời mong các bạn thông cảm và giúp mình thay đổi thói quen vội vã. Cũng vậy khi chạy xe trên đường gặp đèn đỏ thì mình cũng dừng lại thở và mỉm cười, buông thư. Đèn đỏ và chuông điện thoại là hai người bạn nhắc em quay về với chính mình chỉ theo dõi thở vào ra và cười thôi, nó sẽ giúp em dần dần dừng lại được những suy nghĩ miên man trong đầu và sẽ giúp em tiếp xúc với sự sống quanh mình trong giây phút hiện tại sâu sắc hơn. Tuy đơn giản như vậy nhưng để thay đổi một thói quen cũ thì mình cần phải luyện tập nếu em làm tốt thì chỉ trong vòng ba ngày đến một tuần có thể có sự thay đổi tích cực. Nhưng nếu chưa được thì cũng đừng nên vội chán nản em nhé, kiên nhẫn thì sẽ thành công.
Bài tập 2: Lên xuống cầu thang
Chị thực tập bài tập này mỗi ngày, nó giúp chị nhiều lắm. Tại tu viện chị ở có rất nhiều bậc thang cấp, từ tầng 3, tức tầng có phòng chị xuống tầng một là 32 bậc, từ tầng 1 xuống nhà bếp là19 bậc, chị phải lên xuống cầu thang nhiều lần trong ngày, chị đã thực tập làm sao cho mình lên xuống cầu thang có hạnh phúc nhất, và cầu thang trở thành một phương tiện để giúp mình tu tập. Bài tập của chị đơn giản lắm, khi chị bước chân chị chỉ để ý đến bước chân của mình và biết được mình đang bước xuống bậc thứ mấy. Vui lắm em, phải mất một tuần chị mới biết chính xác số bậc cầu thang tại tu viện mình, nhiều lần lộn lên lộn xuống hoài, nhưng chị luôn hứa là lần sau mình sẽ làm khá hơn.Đến bây giờ thì đã trở thành thói quen trong nếp sống của chị. Chị bước chân đến cầu thang thì tự nhiên ý thức ngay và bắt đầu bước và đếm bước chân của mình trong sự bình an tỉnh lặng. Chị đã mời nhiều bạn thiền sinh cùng thực tập với chị họ cũng vui và khám phá ra nhiều điều thú vị bất ngờ rằng: mình luôn sống trong sự thất niệm sự suy tư mà ít khi nào thực sống có ý thức, có chánh niệm. Khi ý thức được điều đó thì nếp sống chánh niệm từ từ hình thành trong tâm thức em và nó sẽ cho mình nhiều an lạc, nhiều cái nhìn mới mẻ về cuộc sống. Em thử thực tập với những bậc thang cấp tại nhà mình hay khi đi vào giảng đường tại trường đại học, hoặc đi vào lớp học. Em phải cam kết mình tập cho được một đoạn ngắn trước, một nơi nhất định thì hiệu quả cao hơn và sẽ khám phá ra nhiều điều mới mẻ lắm. Từ những điều cảm thấy đơn giản tầm thường ấy mình lại biến nó thành những niềm vui và nuôi dưỡng ý thức chánh niệm trong mình.
Bài tập 3: Theo dõi hơi thở thư giãn trước khi ngủ.
Đây là bài tập cuối trong ngày của chị. Chị nằm trên giường một cách thoải mái nhất, chị thì thường nằm nghiêng bên phải theo tư thế của Bụt, nhưng nếu chưa quen thì em vẫn có thể nằm ngửa đặt hai tay lên bụng và theo dõi hơi thở, thở vào cảm nhận bụng phình lên, thở ra bụng xẹp xuống. Trong lúc đó nếu suy nghĩ miên man vẫn đi lên trong đầu, em có thể niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thở vào Nam Mô thở ra Bồ Tát thở vào Lắng Nghe thở ra Quán Thế Âm. Cứ làm như thế thì tự nhiên giấc ngủ đến bình an nhẹ nhàng.
Vân thương, khi trong người mình có chánh niệm, có bình an thì tự nhiên mình thấy rõ mình cần làm gì và có nhiều cảm hứng xây dựng cuộc sống mình có ý nghĩa hơn. Thật sự ngành sư phạm là một ngành tốt cho mọi người, mình đến lớp dạy không phải chỉ vì cơm ăn áo mặc, có danh vọng địa vị trong xã hội mà cao hơn nữa là mình đang xây dựng cho chính bản thân và cho thế hệ tương lai một nền tảng kiến thức, mà đặc biệt là một nhân cách sống, một nền đạo đức, một lối sống lành mạnh. Nếu nghề nghiệp của mình có được ý nghĩa tốt đẹp hướng thượng như vậy thì những chuyện tranh đua, bon chen, chỉ là những chuyện nhỏ, không còn đáng quan tâm nữa, cho nên những chuyện đó khi nó đến với mình thì cũng không làm mình khổ sở nhiều. Ở bên Đức, quý thầy quý sư cô cũng đi đến các trường trung học tiểu học để giảng dạy về đạo đức ứng dụng. Hướng dẫn cho các em biết cách làm lắng dịu cảm xúc của mình, khi mình có những cảm xúc mạnh như giận hờn, buồn tủi, đau khổ, chán nản, tuyệt vọng … Nếu mình là giáo viên mà biết cách thực tập chánh niệm và áp dụng vào việc giảng dạy thì hiệu quả rất cao, giúp được cho các em học sinh của mình nhiều lắm. Khi em thực tập thì nên có một tăng thân, một nhóm người cùng thực tập với mình thì kết quả sẽ tốt hơn.
Khi đọc thư em chị cảm nhận em thương mẹ nhiều lắm. Và trong chị cũng cảm thấy thương mẹ em, mẹ em là người đáng thương chứ không nên đáng trách em à. Em biết tại sao không? Bởi do mẹ em có quá nhiều khổ đau khi bị hai bên nội ngoại chê trách đủ điều mà mẹ không có cơ hội giải tỏa, không biết nói cùng ai. Không ai có thể hiểu mẹ, cảm thông cho mẹ nên mẹ em đã đè nén lâu ngày trở thành một tánh khí khó chịu.Chỉ có em mới giúp được mẹ thôi, bây giờ em đã lớn đã có thể hiểu mẹ và thương mẹ hơn.Nhưng trước tiên em phải tập lắng dịu cảm xúc của mình, bởi nếu em không biết cách thì khi gặp những hành xử kỳ cục của mẹ, em sẽ nổi giận, lại làm tổn thương em và mẹ em nhiều hơn.Ba bài tập trên đây sẽ giúp em phần nào trong việc thực tập lắng dịu cảm xúc. Khi em thấy trong người có cơn bực bội phát khởi, em đừng nên nói gì hay làm gì cả, em hãy tìm một góc yên tĩnh đặt hai tay lên bụng và thở, theo dõi sự phồng xẹp của cái bụng. Khoảng năm đến mười phút em cảm thấy yên hơn thì bắt đầu vừa theo dõi hơi thở vừa phát khởi tình thương rằng mẹ em đang bị những cơn đau, những vết thương lòng đang hoành hành nên mình phải giúp mẹ.
Có một điều quan trọng nữa là em nên thực tập tưới hoa cho mẹ, giúp mẹ em vui.Em ơi, một người bị nói nhiều về điểm tiêu cực chỉ làm cho người đó trở nên xấu hơn, héo hon hơn thôi. Bây giờ em hãy để thời gian ghi xuống những điểm dễ thương của mẹ, có thể mỗi ngày em nói với mẹ một hai câu dễ thương: mẹ ơi, con thấy hôm nay mẹ nấu ăn ngon lắm, mẹ thật đảm đang… Nếu để ý em sẽ thấy không ai hoàn toàn xấu cả, ai cũng có những điều đáng yêu đáng quý, nhưng khi mình bực bội, mình đau khổ thì mình chỉ nhìn thấy những điểm tiêu cực của người kia mà thôi. Từ xưa đến giờ chẳng ai nói với mẹ em những câu dễ thương như vậy mà chỉ toàn là chỉ trích thì thật đáng thương cho mẹ phải không em, em thử làm điều đó mỗi ngày em nhé, nếu ở xa nhà em có thể gọi điện thoại nói với mẹ vài câu dễ thương. Mỗi tuần em có thể viết thư cho mẹ và tâm sự với mẹ những chuyện đang xảy ra quanh em, và nhớ tưới thêm vài đức tính đẹp trong mẹ mình. Chẳng hạn như: con rất tự hào khi thấy mẹ làm được điều này điều kia, mẹ ơi con thấy mẹ mỗi ngày mỗi đẹp hơn, mẹ bớt khó chịu hơn, dễ thương hơn và con có thể tâm sự với mẹ nhiều hơn. Hoặc em xin lỗi mẹ về những điều em đã làm mẹ đau lòng. Hoặc có khi em hỏi mẹ về những nỗi khổ tâm của mẹ: mẹ ơi, con biết mẹ đã chịu nhiều khổ đau trong quá khứ, mẹ có thể nói cho con hiểu hành xử nào của con và của mọi người khiến mẹ khó chịu buồn bực để con không làm mẹ khổ thêm. Lưu ý chỉ hỏi điều này khi mẹ con đã cảm thông cho nhau nhiều. Dần dần em sẽ thấy mẹ em đỡ khổ nhiều lắm và tập khí cũ như khó chịu … dần dần được chuyển hóa.Em thực tập cho mình và cho mẹ em nhé.Khi mình còn mẹ là còn cả một bầu trời hạnh phúc đó em.Nếu sau này mẹ không còn thì mình sẽ hối tiếc.Không có ai thương mình nhiều như mẹ đâu em.Mẹ đã hy sinh chịu đựng nhiều để em có được ngày hôm nay, học hành tới nơi tới chốn.Đây là cách báo hiếu mẹ hay nhất, em hãy thực tập và giúp mẹ chuyển hóa khổ đau nghe em.Chị hy vọng em sẽ thực tập tốt.Chúc em thành công.Nếu có được sự chuyển hóa thì em hãy mail cho các chị mừng, quý thầy quý sư cô luôn đồng hành với em trên con đường thực tập.
Thương mến.