(Tăng Chi III.65)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Thế Tôn du hành trong xứ Kosala, cùng với đại chúng tỳ khưu đi đến thị trấn Kesaputta của bộ tộc Kalama.
Các người Kalama ở Kesaputta được nghe: “Du sĩ Gotama là bậc xuất gia của dòng họ Thích-ca đang du hành trong xứ Kosala, vừa đến Kesaputta. Tiếng đồn tốt đẹp về Ngài Gotama được truyền đi như sau: Ngài là bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn. Ngài giảng Pháp cao diệu, rõ ràng, đầy đủ từ chặng đầu, chặng giữa, cho đến chặng cuối. Ngài tuyên bố đã chứng đắc đạo quả tối thượng bằng chính tuệ giác của Ngài đến toàn thể thế giới của chư thiên và nhân loại. Ngài có đời sống phạm hạnh hoàn toàn tinh khiết. Lành thay, nếu chúng ta được yết kiến một vị Ứng cúng như vậy”.
Rồi các người Kalama ở Kesaputta đến yết kiến Thế Tôn. Sau khi đến, có người đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân thiện với Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người cung kính chắp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người xưng tên họ rồi ngồi xuống một bên; có người im lặng ngồi xuống một bên.
* * *
Sau khi ngồi xuống, các người Kalama ở Kesaputta thưa với Thế Tôn:
– Bạch Ngài, có một số du sĩ, Bà-la-môn, đến Kesaputta. Họ thuyết minh và phát huy giáo lý của mình, nhưng họ bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên tạc giáo lý người khác. Lại có một số du sĩ, Bà-la-môn khác đến Kesaputta, họ cũng thuyết minh và phát huy giáo lý của mình, nhưng họ cũng lại bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên tạc giáo lý người khác. Bạch Ngài, đối với những người ấy, chúng con nghi ngờ phân vân: “Trong những du sĩ, Bà-la-môn này, ai nói đúng sự thật, ai nói không đúng sự thật?”
– Này quý vị Kalama, đương nhiên quý vị có những nghi ngờ, phân vân! Khi có điều đáng nghi ngờ, đương nhiên phân vân khởi lên.
Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.
* * *
– “Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, quý vị hãy từ bỏ chúng.”
Quý vị nghĩ thế nào? Khi tham lam, sân hận, si mê khởi lên trong tâm người nào, sẽ đem đến lợi lạc hay đau khổ?
– Đem đến đau khổ, bạch Thế Tôn.
– Này quý vị, người nào có tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm bị tham sân si chinh phục và xâm chiếm, người ấy sẽ sát sinh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, và khích lệ kẻ khác làm ác như vậy. Do đó, có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
– Quý vị nghĩ thế nào, các pháp này là thiện hay bất thiện?
– Bất thiện, bạch Thế Tôn.
– Đáng chê hay không đáng chê?
– Đáng chê, bạch Thế Tôn.
– Có tội hay không có tội?
– Có tội, bạch Thế Tôn.
– Bị người trí quở trách hay không bị người trí quở trách?
– Bị người trí quở trách, bạch Thế Tôn.
– Nếu được thực hiện và chấp nhận, có đưa đến bất hạnh đau khổ không? Ở đây, chúng sẽ tác động như thế nào?
– Nếu được thực hiện và chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng sẽ đưa đến bất hạnh, đau khổ. Ở đây, chúng sẽ tác động như thế.
– Như vậy, này quý vị, hãy ghi nhớ điều Ta vừa nói:
“Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.
Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, quý vị hãy từ bỏ chúng”.
* * *
– “Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.
Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc’, quý vị hãy đạt đến và an trú”.
Quý vị nghĩ thế nào? Khi tham lam, sân hận, si mê không hiện hữu trong tâm người nào, sẽ đem đến lợi lạc hay đau khổ?
– Đem đến lợi lạc, bạch Thế Tôn.
– Này quý vị, người nào không có tâm tham, không có tâm sân, không có tâm si, không bị tham sân si chinh phục và xâm chiếm, người ấy sẽ không sát sinh, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói dối, và không khích lệ kẻ khác làm ác như vậy. Do đó, có làm cho người ấy lợi lạc hạnh phúc lâu dài hay không?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
– Quý vị nghĩ thế nào, các pháp này là thiện hay bất thiện?
– Thiện, bạch Thế Tôn.
– Đáng chê hay không đáng chê?
– Không đáng chê, bạch Thế Tôn.
– Có tội hay không có tội?
– Không có tội, bạch Thế Tôn.
– Bị người trí quở trách hay không bị người trí quở trách?
– Không bị người trí quở trách, bạch Thế Tôn.
– Nếu được thực hiện và chấp nhận, có đưa đến lợi lạc hạnh phúc không? Ở đây, chúng sẽ tác động như thế nào?
– Nếu được thực hiện và chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc. Ở đây, chúng sẽ tác động như thế.
– “Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.
Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc’, quý vị hãy đạt đến và an trú”.
* * *
– Này quý vị Kalama, vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Từ bao trùm phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi, bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới, vị ấy an trú với tâm Từ cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.
Vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Bi bao trùm phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi, bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới, vị ấy an trú với tâm Bi cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.
Vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Hỷ bao trùm phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi, bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới, vị ấy an trú với tâm Hỷ cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.
Vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Xả bao trùm phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi, bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới, vị ấy an trú với tâm Xả cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.
* * *
Vị Thánh đệ tử ấy, này quý vị Kalama, với tâm không oán thù, không ác hại, với tâm thanh tịnh không uế nhiễm như vậy, ngay bây giờ và tại đây, vị ấy đạt được bốn sự an ổn:
- i) “Nếu có đời sau, nếu có kết quả dị thục do các nghiệp thiện ác, sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ sinh vào cõi thiện lành”; đây là an ổn thứ nhất vị ấy có được.
- ii) “Nếu không có đời sau, nếu không có kết quả dị thục do các nghiệp thiện ác, tại đây và ngay bây giờ, ta vẫn sống tự tại, an lạc, với tâm không oán thù, không ác hại”; đây là an ổn thứ hai vị ấy có được.
iii) “Nếu có quả xấu trổ ra cho người làm nghiệp ác, nhưng ta không tác ý làm điều ác hại cho bất cứ ai; do vậy, làm sao quả xấu đó có thể tác động đến ta?”; đây là an ổn thứ ba vị ấy có được.
- iv) “Nếu quả xấu không trổ ra cho người làm nghiệp ác, cũng không tác động gì đến ta, vì tâm ta thanh tịnh và thân ta không làm điều ác”; đây là an ổn thứ tư vị ấy có được.
Vị Thánh đệ tử ấy, này quý vị Kalama, với tâm không oán thù, không ác hại, với tâm thanh tịnh không uế nhiễm như vậy, ngay bây giờ và tại đây, vị ấy đạt được bốn sự an ổn này.
– Sự việc là như vậy, bạch Thế Tôn! Sự việc là như vậy, bạch Thiện Thệ! Vị Thánh đệ tử ấy, bạch Thế Tôn, với tâm không oán thù, không ác hại, với tâm thanh tịnh không uế nhiễm như vậy, ngay bây giờ và tại đây, vị ấy đạt được bốn sự an ổn này.
Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Ngài đã thuyết giảng Chánh Pháp rõ ràng bằng nhiều phương cách, như người dựng đứng những gì bị xô ngã xuống, hay phô bày những gì bị che phủ, hay chỉ đường cho người bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào trong tối để những ai có mắt có thể thấy tường tận. Nay, chúng con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Kính xin Ngài nhận chúng con làm đệ tử cư sĩ; từ bây giờ cho đến mạng chung, chúng con xin trọn đời quy ngưỡng.
(Trích dịch)
-ooOoo-
Tham khảo:
1) “Kinh Kalama”, bản dịch Việt ngữ của Hòa thượng Thích Thiện Châu.
2) “Kinh Kalama (Tăng chi bộ)”, bản dịch Việt ngữ của Hòa thượng Thích Minh Châu.
3) “The Instruction to the Kalamas”, bản dịch Anh ngữ của Bhikkhu Soma.
4) “To the Kalamas”, bản dịch Anh ngữ của Bhikkhu Bodhi.