Mỗi người có một mùa thu cho riêng mình, mùa thu của Lưu Trọng Lư thật trữ tình lãng mạn với hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô”, mùa thu Pari của Phạm Trọng Cầu sao mà buồn tê tái “ nghe mưa não nề qua vườn Luxemburg”… Người nghệ sĩ cảm nhận mùa thu thật đẹp mà cũng thật buồn. Mùa thu Pari với Phạm Trọng Cầu thì như thế, nhưng mùa thu dưới con mắt của những người tu sĩ thì mùa thu chẳng gợi sầu chút nào. Giữa sắc vàng ngập trời, những tà áo nâu nhẹ bước trên thảm lá vàng, không “ ngơ ngác” như chú nai con, lòng không “rạo rực” như người chinh phụ mà thảnh thơi, an nhiên, tự tại. Ánh mắt rạng ngời niềm vui, nụ cười hạnh phúc luôn nở trên môi họ khi mùa thu về.
Người Trung Quốc viết chữ 愁 sầu gồm bộ thu 秋 ở trên và bộ tâm 心ở dưới. Theo họ mùa thu mà có cái tâm gắn vào thì tạo ra cảm giác u sầu buồn bã. Có lẽ điều đó chỉ đúng với người đời, với những nhà nghệ sĩ, thi sĩ thôi. Bởi trong tâm thức họ hạt giống đa sầu đa cảm rất lớn nên trứơc cảnh thu với lá vàng úa rụng rơi gợi lên một điều gì đó sẽ tàn phai, sẽ ra đi. Đa phần các bài thơ, bài hát mùa thu đều rất trữ tình, gợi nhớ một điều gì đó, giai điệu trầm buồn, da diết:
“ Em ra đi mùa thu
Mùa thu không trở lại
Em ra đi mùa thu
Sương mờ giăng âm u.
Em ra đi mùa thu
Mùa thu không còn nữa
Đếm lá úa mùa thu
Rót sầu ngược tim tôi”.
Cảm nhận mùa thu bằng tâm hồn người tu sĩ thì khác hơn. Mùa thu là một sự màu nhiệm. Mùa thu Waldbrol đẹp lạ lùng! Một vẻ đẹp đằm thắm, đậm đà của người thiếu phụ, không phô bày nhan sắc một cách rực rỡ, choáng ngợp như mùa xuân, không tê tái băng giá như mùa đông. Nó nhè nhẹ đến nhưng in dấu trong lòng người sâu đậm. Đó là sức quyến rũ mãnh liệt của mùa thu. Những chiếc lá xanh mơn mởn kia đã ấp ủ bao ngày nắng của mùa hạ để rồi phát tiết ra sắc màu rực rỡ của mùa thu. Thiên nhiên là người thợ khéo đã rút từng sợi nắng dệt nên chiếc áo mùa thu cho người thiếu phụ quí phái này.
Tận hưởng vẻ đẹp của mùa thu, người tu sĩ cảm thấy tâm hồn mình cũng nhẹ nhàng, an lạc, không có sự xao xuyến, bồn chồn, vui nhộn. Từ hỷ đến lạc. Mùa xuân mang lại niềm vui, mùa thu mang lại niềm an lạc, nhẹ nhàng, sâu lắng và trầm tĩnh hơn:
“Thu ừ là thu, xuân là xuân
Nắng vàng, nắng hạ nắng chiều đông
Trong mắt bé thơ thuần màu nắng
Hạnh phúc dâng tràn giữa chốn Không”
Thật tội nghiệp ! mùa thu đã bao đời chịu nỗi hàm oan. Ai cũng nói thu buồn, thu chết. Nhưng mùa thu đâu có lỗi, chỉ tại lòng người lắm nỗi buồn thương mà gán ghép cho nó. Họ đã để các tâm tư ấy bít lấp nên không thể cảm nhận thực tại của mùa thu. Không biết để lòng mình thanh thản mà tận hưởng mỗi giây phút mùa thu đi qua. Hãy tập nhìn với đôi mắt bé thơ trong sáng nhận diện đơn thuần “ thu ừ là thu, xuân là xuân” thì mùa thu trở thành mùa an lạc, mùa hạnh phúc.
Thu càng chín càng đẹp, hồn thu càng lộ rõ sự già dặn, chín chắn. Nó càng thu hút và làm say đắm lòng người. Người nghệ sĩ bị đắm chìm vào vẻ đẹp này và chợt buồn vì nó sẽ tàn phai. Nhìn những chiếc lá thay màu, theo gió rụng về cội, họ không khỏi chạnh lòng nghĩ đến sự tang thương mất mát, đến cái chết. Có người bảo “mùa thu là sứ giả của thần chết”, nỗi sợ hãi sâu kín, sự tiếc nuối đang khơi dậy trong tâm hồn họ. Họ không muốn bất cứ một sự chia ly nào, chỉ muốn níu giữ lại những cái gì đẹp nhất, nhưng “lực bất tòng tâm”, chỉ còn biết than thở, buồn đau.
Người tu sĩ chào đón vị “sứ giả đáng yêu” này như đón chào một người bạn tri kỷ. Vô thường không làm họ sợ hãi. Nhìn những chiếc lá lúc còn xanh rồi ngả vàng họ cảm nhận sâu sắc hơn về vô thường, vô thường không phải chỉ có biểu hiện khi chiếc lá rơi về cội mà vô thường luôn hiện hữu trong mỗi sát na. Trong đạo Bụt có hai loại vô thường đó là sát na vô thường và nhất kỳ vô thường. Khi chiếc lá còn xanh trên cành nó vẫn đang có những đổi thay để một ngày chín vàng ta có thể gọi đó là sát na vô thường, khi chiếc lá ấy rơi khỏi cành trở về với đất mẹ thì đó là nhất kỳ vô thường. Dưới con mắt quán chiếu, thì vô thường là người bạn tri kỷ của chúng ta trong mỗi phút mỗi giây. Nhờ vô thường mà mùa xuân chuyển sang mùa hạ rồi đến thu đông, có sự chuyển dời ấy thì sự sống mới phát triển. Những chiếc lá vàng úa kia trở về đất mẹ đến mùa xuân nó lại được biểu hiện đẹp đẽ xanh tươi. Nếu không có vô thường, hoa sẽ không nở, lá sẽ không chín vàng không rụng rơi, em bé chẳng bao giờ lớn, mọi thứ đứng yên chết cứng, sự sống đã dừng lại. Phải nói vô thường là một ân huệ của tạo hóa. Nhờ vị sứ giả này mà ta biết trân quí, biết yêu thương mỗi khoảnh khắc trong đời, ta biết sử dụng thời gian của mình để sống cho đẹp hơn, cho hữu ích hơn. Nhờ vị sứ giả này mang lại cho chúng ta niềm tin sâu sắc là ta có thể chuyển hóa được những hạt giống u sầu khổ não thành những hạt giống thiện lành trong tâm thức, để cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.

Nhờ biết rất rõ “người bạn tri kỷ vô thường” nên người tu sĩ không để thời gian cho “thương hoa tiếc ngọc”, mà họ tận hưởng tất cả mọi vẻ đẹp của mùa thu dâng tặng, ngay từ những ngày đầu chớm thu, khí trời se se lạnh, đến khi lá vàng, rồi nhìn những chiếc lá thu bay đầy trời, cảm nhận thiên nhiên là vị thầy tuyệt vời nhất, vĩ đại nhất. Ngắm lá rơi họ phát hiện ra không phải chiếc lá nào cũng rơi giống nhau. Mỗi chiếc lá có một cách rơi thật ngoạn mục. Cho dù là những giây phút biểu hiện cuối cùng, chiếc lá cũng chọn cho mình một cách rơi đẹp nhất mà nó có thể để tạo nên một vũ điệu mùa thu. Nhìn lại chính mình, người tu sĩ cũng muốn như chiếc lá kia được biểu hiện một cách đẹp đẽ cho đến phút cuối cùng. Họ sẽ chọn cho mình một cách ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, lòng không vướng bận bất cứ chuyện gì nữa. Để cơn gió vô thường đưa họ về với bản thể vô sinh.
Mùa thu có gợi buồn hay không, đâu phải tại mùa thu mà chính bởi tâm thức chúng ta. Nguyễn Du nói “ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Xin minh oan cho mùa thu, xin trả lại nét đẹp cố hữu của nó. Mùa thu vẫn có thể là mùa của bình an, hạnh phúc, khi lòng người chan chứa tình thương và sự hiểu biết. Xin hãy nhìn mùa thu với con mắt độ lượng và bình an để không làm nó mặc cảm với những cái tên mà người đời gán ghép.